Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 vừa diễn ra tại Hà Nội đã kết thúc chóng vánh mà không đạt được bất cứ thỏa thuận chung nào giữa các bên liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Vụ thử bom nhiệt hạch Ivy Mike tại Nevada (Mỹ) năm 1952. Ảnh: Wikimedia.
Vụ thử bom nhiệt hạch Ivy Mike tại Nevada (Mỹ) năm 1952. Ảnh: Wikimedia.

Hiển nhiên, những đầu đạn hạt nhân (nuclear warhead) gắn trên bom hoặc tên lửa chính là thứ vũ khí hủy diệt khủng khiếp nhất mà con người từng tạo ra. Sau hai quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki thời Đệ nhị Thế chiến, tâm trí của hàng chục triệu người trên khắp thế giới vẫn thường trực nỗi lo về khả năng tái sử dụng chúng. Tuy nhiên, sức hủy diệt của loại vũ khí này dường như cũng đã bị phóng đại quá mức, dù hoàn toàn có thể được giải thích bằng những lý do chính đáng. Đặc biệt, mối quan ngại ấy còn có xu hướng gia tăng bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, bên cạnh thái độ thiếu tin tưởng, hợp tác giữa các cường quốc chạy đua vũ trang, hay sử dụng hạt nhân như một lá bài để mặc cả (trường hợp Bắc Triều Tiên) – hệ quả của môi trường chính trị kém lành mạnh và đầy mâu thuẫn.

Những tuyên bố phóng đại

Một điều dễ nhận thấy là mỗi khi nói về vũ khí hạt nhân (VKHN), chúng ta thường hay bị cuốn theo những kịch bản tồi tệ, về một “ngày tận thế” (doomsday) hay “khải huyền” (apocalypse) theo ngôn ngữ trong Kinh Thánh – nhà sử học Spencer Weart nhận định. Tuy nhiên, việc chế tạo bom hạt nhân là cực kỳ phức tạp, đòi hỏi nhiều trang thiết bị tốn kém; và ngay cả khi chúng thật sự bị kích nổ, thì mặc dù mức độ tàn phá là cực kỳ nghiêm trọng nhưng khả năng hủy diệt toàn bộ thế giới vẫn là rất nhỏ.”

Diễu binh với tên lửa hạt nhân ở Moscow thời Chiến tranh Lạnh. Theo Harari thì loại vũ khí này thường được phô ra nhưng không bao giờ được bắn. Ảnh: Getty Images.
Diễu binh với tên lửa hạt nhân ở Moscow thời Chiến tranh Lạnh. Theo Harari thì loại vũ khí này thường được phô ra nhưng không bao giờ được bắn. Ảnh: Getty Images.

Trong cuốn “Command and Control” (Chỉ huy và kiểm soát) xuất bản năm 2013, tác giả Eric Schlosser đã cố gieo nỗi sợ dai dẳng trong tâm trí người đọc bằng cách liệt kê những sự cố và tai nạn liên quan đến VKHN, bao gồm vụ Damascus năm 1980 khi một ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa) Titan II của Mỹ bất thình lình phát nổ ngay tại bãi phóng ở tiểu bang Arkansas – do khoang nhiên liệu bị rò rỉ bởi sự bất cẩn của đội bảo trì. Mặc dù may mắn là đầu đạn gắn trên Titan II đã “xịt ngòi”, nhưng theo Schlosser khẳng định: “Nếu điều đó xảy ra thì phần lớn Arkansas sẽ biến mất.” Tuy nhiên thực tế lại không hoàn toàn đúng như vậy, bởi đầu đạn nhiệt hạch 9 megaton trên Titan II chỉ có bán kính nổ vào khoảng 10km, tức bao trùm một diện tích gần 315 km², trong khi bang Arkansas lại rộng tới 133.733km², cho nên ngay cả trong tình huống xấu nhất thì cũng sẽ chỉ gây ra tác động đối với 0,2% diện tích toàn bang. Tất nhiên, viễn cảnh đó vẫn sẽ cực kỳ khủng khiếp, song chắc chắn là không thể giống như thảm họa mà Schlosser đã gợi ra.

Đã có quá nhiều tuyên bố phóng đại theo kiểu như vậy về hậu quả của VKHN, đặc biệt là sau sự kiện 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ. Trong giai đoạn cổ xúy mạnh mẽ cho Chiến dịch tiễu trừ khủng bố trên quy mô toàn cầu, cựu Thượng nghị sĩ Richard Lugar thuộc Đảng Cộng Hòa – người từng giữ ghế Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, đã cảnh báo rằng nếu các tổ chức như Al-Qaeda được trang bị VKHN thì đó sẽ là mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với cả an nguy lẫn tương lai của nền dân chủ phương Tây, và mặc dù chính ông cũng chẳng thể làm rõ chi tiết là bằng cách nào. Không gì chắc chắn rằng một vụ nổ hạt nhân (hay thậm chí cả vài vụ) sẽ làm biến mất hoàn toàn thế giới hiện tại. Thật vậy, nhân loại vẫn đang còn đó, bất chấp việc từng có tới gần 2000 vụ thử hạt nhân lớn nhỏ được tiến hành ở nhiều địa điểm trên khắp hành tinh – con số do nghệ sĩ người Nhật Isao Hashimoto thống kê.

Cần hiểu biết để vượt qua sợ hãi khi Hiệp ước Limited Test Ban Treaty (cấm thử nghiệm và giới hạn VKHN) ký kết năm 1963 quy định rằng tất cả các vụ thử hạt nhân đều phải được thực hiện bên dưới lòng đất, song vẫn có đến 500 đầu đạn được kích nổ ngay bên trên bầu khí quyển của chúng ta, bao gồm cả vụ thử quả bom 57 megaton Tsar Bomba (lớn nhất thế giới) do Liên Xô thực hiện ngày 30/10/1961. Các số liệu kỹ thuật cho biết, Tsar Bomba có sức công phá mạnh gấp 3.000 lần quả bom Little Boy ném xuống Hiroshima – sức hủy diệt khủng khiếp, nhưng theo lý giải của một nhà vật lý thì vẫn chỉ bằng “một phần nghìn tổng năng lượng sinh ra trong một trận động đất hoặc siêu bão.”

Ngoài ra, sự cố Damascus cũng cho thấy việc kích nổ một đầu đạn hạt nhân là không hề đơn giản, bên cạnh những tác động có phần hạn chế. Mặc dù vậy, một số nhà khoa học lại đưa ra lập luân gây nhiều tranh cãi, rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân, dù ở quy mô lẫn tác động được kiểm soát, vẫn có thể gây ra thảm cảnh “mùa đông hạt nhân” (nuclear winter) bởi lượng khói và mảnh vụn sinh ra quá lớn sẽ chắn các tia sáng Mặt trời trong một khoảng thời gian đáng kể.

Tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên được dự báo là một trong những ngòi nổ châm ngòi cho xung đột tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ảnh: Wikimedia.
Tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên được dự báo là một trong những ngòi nổ châm ngòi cho xung đột tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ảnh: Wikimedia.

Tuy nhiên, để tạo nên sự hủy diệt sinh thái khủng khiếp như vậy, con người sẽ phải cùng lúc kích nổ hàng trăm, thậm chí cả ngàn thiết bị nhiệt hạch trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng ngay cả trong tình huống xấu nhất ấy, phạm vi tàn phá của những quả bom cũng sẽ vẫn rất giới hạn. Chẳng hạn, phải 2.000 vụ nổ hạt nhân (mỗi vụ tương đương 1 megaton với bán kính phá hủy ước đạt gần 5 dặm, tức 8km) mới có thể trực tiếp phá huỷ gần 5% diện tích Hoa Kỳ (khoảng 475.000 km2, lớn hơn lãnh thổ nước Nhật).

Có thể nói, tác động của VKHN đã bị thổi phồng quá mức, nhưng cũng bởi một nguyên do rất dễ được thông cảm: chúng thực sự quá nguy hiểm; cho nên việc gieo rắc và tăng cường nỗi sợ hãi, thực chất cũng chỉ nhằm để cảnh báo, khiến cho chúng (VKHN) không có cơ hội được đem ra sử dụng. Thế nhưng, những đầu đạn và tên lửa hành trình rốt cuộc vẫn được chế tạo và tồn tại như một phần trong toan tính chiến lược giữa các cường quốc. Do đó, nếu muốn cùng chung sống với VKHN và giảm thiểu tối đa những rủi ro mà chúng có thể mang lại, nhân loại cần thiết phải vượt qua nỗi sợ hãi để thành thật hơn với chính mình, rằng các nguy cơ đó thực chất là gì.

“Chúng ta không nên nhầm lẫn khả năng với động cơ … Trong bảy chục năm trở lại đây, con người đã phá vỡ không chỉ Luật rừng mà còn cả Luật Chekhov nữa. Anton Chekhov (nhà soạn kịch nổi tiếng người Nga) từng nói khẩu súng xuất hiện ở hồi đầu của một vở kịch chắc chắn sẽ được bắn ở hồi ba … Nhưng kể từ sau năm 1945, nhân loại đã học được cách cưỡng lại sự cám dỗ này khi thứ vũ khí xuất hiện ở hồi đầu của Chiến tranh Lạnh đã không hề được bắn. Đến giờ, chúng ta vẫn đang quen sống trong một thế giới đầy những quả bom không được thả và những tên lửa không được phóng … Nếu một ngày hai luật trên bỗng trở nên ứng nghiệm thì đó sẽ là lỗi của chính chúng ta, chứ chẳng phải do định mệnh không thể né tránh” – Yuval Harari viết trong cuốn Homo Deus: A Brief History of Tomorrow (Lược sử tương lai).